Mô hình Pestel là gì? Ứng dụng mô hình Pestel trong doanh nghiệp

4843
mô hình pestel
Ứng dụng mô hình Pestel trong doanh nghiệp I Thông tin từ A - Z

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lựa chọn ứng dụng mô hình Pestel vào hoạt động nghiên cứu thị trường, đề xuất chiến lược nhằm nâng cao khả năng phát triển kinh doanh phù hợp với tiêu chuẩn chung. Cụ thể, Blog Tuyển Dụng sẽ tổng hợp toàn bộ thông tin từ A – Z về mô hình Pestel và tính ứng dụng của công cụ này trong bài viết sau đây.

Mô hình Pestel là gì?

Mô hình Pestel là một công cụ được các doanh nghiệp sử dụng để đánh giá môi trường vĩ mô xung quanh, từ đó nhận biết được những cơ hội và thách thức tiềm ẩn có thể ảnh hưởng tới khả năng kinh doanh của doanh nghiệp. 

Do đó, mô hình Pestel được nhiều doanh nghiệp đa dạng ngành nghề ứng dụng rộng rãi với mong muốn khai thác các giá trị mới từ thị trường, đồng thời nhanh chóng đưa ra các phương án phòng tránh trước những biến động tiêu cực. Để biết những yếu tố quan trọng của mô hình Pestel, bạn đọc hãy tham khảo tiếp trong phần sau.

Mô hình pestel là gì
Mô hình Pestel là công cụ giúp doanh nghiệp tìm hiểu thị trường chung để tìm kiếm những cơ hội và thách thức tiềm ẩn.

6 yếu tố quan trọng trong mô hình Pestel

Có 6 yếu tố quan trọng mà các nhà quản trị cần xác định khi ứng dụng mô hình Pestel như sau:

Chính trị (Political)

Những thay đổi về mặt chính trị có thể tác động đến doanh nghiệp theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực, cụ thể như: chính sách thuế, thay đổi luật thương mại, chính sách bảo vệ người tiêu dùng, tình hình chính trị từng thời kỳ,…

Ví dụ: Khi nhà nước ban hành luật mới về điều kiện lao động, doanh nghiệp phải điều chỉnh chế độ đãi ngộ sao cho phù hợp với điều luật mới ban hành của chính phủ.

Chính trị là một yếu tố quan trọng trong mô hình pestel
Doanh nghiệp cần điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình chính trị của quốc gia sở tại.

Kinh tế (Economic)

Các yếu tố kinh tế có thể tác động mạnh mẽ đến tình hình kinh doanh và các chiến lược trong tương lai của doanh nghiệp, bao gồm: tình hình kinh tế tại địa phương/trên thế giới, tỷ giá ngoại tệ, GDP, tình trạng giảm phát/lạm phát,… 

Ví dụ: Khi thời kỳ lạm phát, giá tăng khiến sức mua của thị trường giảm, doanh nghiệp bị giảm doanh số có thể phải cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí.

Kinh tế là một yếu tố quan trọng trong mô hình pestel
Doanh nghiệp cần xem xét các yếu tố về tình hình kinh tế để có những chiến lược phù hợp.

Văn hoá – xã hội (Social)

Các yếu tố văn hóa – xã hội giúp doanh nghiệp xác định được các xu hướng và hành vi mua sắm của người tiêu dùng thông qua một số khía cạnh như: sở thích, độ tuổi, quan điểm, lối sống, tín ngưỡng – tôn giáo, các giá trị văn hóa sở tại,…

Ví dụ: Doanh nghiệp hoạt động tại các nước có nhiều tín đồ Hồi giáo phải điều chỉnh nội quy về đồng phục, cho phép nhân viên nữ dùng khăn trùm đầu khi làm việc.

Văn hóa xã hội là một yếu tố quan trọng trong mô hình pestel
Doanh nghiệp cần tìm hiểu về các yếu tố văn hóa – xã hội để xác định đúng nhu cầu của người tiêu dùng.

Công nghệ (Technological)

Sự phát triển của công nghệ trong thời đại hiện nay giúp doanh nghiệp mở rộng thêm nhiều kênh bán mới và kênh truyền thông – quảng bá để tăng cơ hội tiếp cận tới khách hàng, tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm cho người tiêu dùng.

Ví dụ: Doanh nghiệp áp dụng hệ thống lọc CV tự động có tốc độ tuyển dụng nhanh chóng hơn, tỷ lệ ứng viên phù hợp và nhận việc cao hơn.

Công nghệ là một yếu tố quan trọng trong mô hình pestel
Chính trị là một yếu tố quan trọng trong mô hình pestel

Pháp lý (Legal)

Các yếu tố pháp lý là những chính sách bắt buộc mà doanh nghiệp phải tuân thủ để phù hợp với pháp luật của nhà nước sở tại và đảm bảo độ uy tín với người tiêu dùng, cụ thể như: tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, tiêu chuẩn về máy móc công nghệ,…

Ví dụ: Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng đầy đủ mức BHXH cho mỗi nhân viên có ký hợp đồng lao động xác định thời hạn với công ty. 

Pháp lý là một yếu tố quan trọng trong mô hình pestel
Doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý được đề ra bởi chính phủ.

Môi trường (Environmental)

Hiện nay, các quốc gia và phần lớn người tiêu dùng dành sự quan tâm lớn cho các vấn đề bảo vệ môi trường. Do đó, doanh nghiệp cần xem xét khả năng ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và nhân tạo xung quanh để có những điều chỉnh phù hợp trong dây chuyền kinh doanh – sản xuất.

Ví dụ: Hiện nay, các doanh nghiệp chuyển sang hệ thống tuyển dụng thông qua các nền tảng trực tuyến giúp giảm thiểu số lượng rác thải tờ rơi, tờ đăng tuyển dụng ra môi trường.

Môi trường là một yếu tố quan trọng trong mô hình pestel
Doanh nghiệp cần đảm bảo quá trình sản xuất – kinh doanh thân thiện với thiên nhiên, giảm các tác động tiêu cực tới môi trường sống.

Quy trình phân tích Pestel ĐÚNG – CHUẨN 

Để thực hiện phân tích mô hình Pestel đầy đủ, chính xác, các nhà quản trị cần tiến hành theo 4 bước sau đây: 

Bước 1: Phân tích 6 yếu tố trong mô hình

Đầu tiên, nhà quản trị cần liệt kê ra 6 yếu tố trong mô hình Pestel và xác định được ảnh hưởng của 6 yếu tố này đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Sau đó, bạn cần tiến hành bước 2 để làm rõ thông tin của mỗi yếu tố.

Bước 2: Nghiên cứu và thu thập thông tin

Nhà quản trị cần thu thập thông tin về 6 yếu tố trên từ các nguồn uy tín như trang web chính phủ, thông cáo báo chí, báo cáo/khảo sát người tiêu dùng, nghiên cứu thị trường, các trang báo lớn,… để chọn lọc được thông tin có độ xác thực cao. Bên cạnh đó, bạn cũng cần chú ý thu thập những tin tức mới nhất vì các yếu tố trong mô hình Pestel luôn thay đổi qua từng thời kỳ. 

Quy trình phân tích Pestel ĐÚNG - CHUẨN
Nhà quản trị tiến hành thu thập thông tin về 6 yếu tố từ các nguồn uy tín và xác thực.

Bước 3: Đánh giá và xác định thứ tự ưu tiên

Sau khi thu thập xong thông tin, nhà quản trị cần sắp xếp lại và tiến hành đánh giá các yếu tố so với tình hình nội bộ của doanh nghiệp, từ đó đưa ra thứ tự ưu tiên cần điều chỉnh để phù hợp với tiêu chuẩn mới của thời đại.

Bước 4: Báo cáo kết quả phân tích Pestel

Cuối cùng, các nhà quản trị cần tập hợp những dữ liệu đã xử lý thành một bản báo cáo hoàn chỉnh và có đủ các dẫn chứng chứng minh kết quả phân tích là chính xác. Người viết cần tóm tắt các ý chính, trình bày chia thành các đề mục tổng quát và có phần khái quát/kết luận nhanh để người đọc dễ dàng theo dõi nội dung báo cáo.

Xem thêm: Mẫu báo cáo phân tích phân tích nhân sự cho HR

Quy trình phân tích Pestel ĐÚNG - CHUẨN
Nhà quản trị tổng hợp thông tin và tóm tắt thành một bản báo cáo cô đọng, dễ hiểu với người đọc.

Ví dụ ứng dụng mô hình Pestel Apple

Theo công bố từ báo cáo tài chính quý 2 năm 2023, Apple đã đạt mức doanh thu lên tới 94.8 tỷ USD trong thời kỳ kinh tế đầy biến động. Những thành quả về sự phát triển của tập đoàn đa quốc gia này cho thấy sự ứng dụng chặt chẽ về mô hình Pestel dự đoán được xu hướng vĩ mô trên toàn cầu, từ đó đưa ra được những chiến lược phù hợp để thuận lợi kinh doanh trong bối cảnh mới, cụ thể:

Yếu tố chính trị

Năm 2022, Liên minh châu Âu EU đã thông qua luật yêu cầu các thiết bị điện tử cầm tay sản xuất trong năm 2023 phải trang bị cổng sạc USB-C. Điều này tác động rất lớn tới Apple vì hãng đã giữ nguyên cổng sạc Lightning sau nhiều năm ra mắt thị trường và châu Âu là một trong những khu vực có lượng tiêu thụ lớn nhất của nhà Táo. Do đó, để thỏa hiệp với tình hình chính trị tại thị trường này, Apple đã đi đến quyết định “khai tử” cổng sạc Lightning trên dòng iPhone 15 series mới nhất hiện nay, mở ra kỷ nguyên mới với cổng sạc USB-C tiện lợi và đồng nhất với các hãng công nghệ khác.

Ví dụ ứng dụng mô hình Pestel Apple
Apple đã áp dụng cổng sạc mới để phù hợp với tình hình chính trị của EU.

Yếu tố kinh tế

Sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, nền kinh tế toàn cầu đón nhận đợt suy thoái trầm trọng. Điều này tác động thực tế đến Apple khiến doanh thu quý 2/2023 giảm đến 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước những biến động kinh tế, Apple đã bắt đầu giảm tốc đầu tư vào các sản phẩm mới, công ty mới và cải thiện chính sách giá cả để bảo toàn nguồn vốn trước những kế hoạch lâu dài.

Yếu tố văn hóa – xã hội

Apple là một trong những tập đoàn công nghệ được mệnh danh là “người tạo nên xu hướng” khi các sản phẩm từ nhà Táo luôn bắt kịp thị hiếu của khách hàng. Kể cả trong quản lý nhân sự, Apple cũng áp dụng thành công phân tích Pestel đề ra giải pháp tuyển dụng nhân sự tài năng để phát triển phù hợp với mục tiêu của doanh nghiệp.

Cụ thể, Apple đưa ra nhiều vòng tuyển chọn khắt khe về chuyên môn để chọn lọc được ứng viên phù hợp. Đồng thời, hãng luôn đề cao văn hóa doanh nghiệp hiện đại và cởi mở, cho phép nhân viên được quyền phát biểu về đãi ngộ và điều kiện làm việc. Apple còn cung cấp các chương trình đào tạo chuyên sâu giúp nhân sự phát triển kỹ năng.

Có thể thấy, Apple rất am hiểu những điều mà các ứng viên trên toàn cầu mong muốn nên luôn duy trì được độ trung thành của nhân viên và thu hút thêm số lượng lớn nhân tài từ khắp thế giới ứng tuyển vào mỗi năm.

Apple luôn thấu hiểu nhu cầu của ứng viên
Apple thấu hiểu nhu cầu của ứng viên và luôn nâng cấp điều kiện làm việc.

Yếu tố công nghệ

Apple có những cách tiếp cận công nghệ độc đáo và luôn cho ra mắt các dòng sản phẩm mới có cải tiến tốt hơn so với bản tiền nhiệm. Điển hình là việc lắng nghe thị hiếu từ người dùng và cho ra đời chip A17 Pro giúp nâng cao hiệu năng và tiết kiệm pin tốt hơn dòng chip cũ.

Yếu tố pháp lý

Apple trang bị một dây chuyền sản xuất chặt chẽ để phù hợp với nhiều tiêu chuẩn khắt khe về thiết bị điện tử như: tiêu chuẩn kiểm định sóng bức xạ toàn cầu, tiêu chuẩn an toàn lao động trong sản xuất, tiêu chuẩn dây sạc an toàn MFi,…

Yếu tố môi trường

Apple thấu hiểu thị hiếu mới của người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên các sản phẩm tái chế, bảo vệ môi trường. Với tham vọng hướng đến thay đổi toàn bộ chất liệu cũ sang chất liệu trung hòa carbon đến cuối năm 2030, Apple đã “nổ phát súng” đầu tiên trên dòng Apple Watch series 9, giúp giảm thiểu lượng khí thải công nghiệp lên tới 75% trên mỗi chiếc đồng hồ.

Apple hướng tới việc sử dụng tối đa các chất liệu tái chế
Apple hướng tới việc sử dụng tối đa các chất liệu tái chế, thân thiện với môi trường.

Ưu nhược điểm của mô hình Pestel

Mô hình Pestel là công cụ hữu ích cho doanh nghiệp nếu nhà quản trị biết tận dụng các ưu điểm và khắc phục các nhược điểm sau đây:

Ưu điểm

Mô hình Pestel sở hữu những ưu điểm tuyệt vời mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, cụ thể:

  • Dễ áp dụng: Mô hình Pestel không đòi hỏi nhà quản trị phải có kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa,… Các thông tin khá dễ dàng thu thập để hoàn thiện bản báo cáo vĩ mô và dễ áp dụng cho mọi doanh nghiệp.
  • Phạm vi phân tích rộng: Mô hình Pestel gồm 6 yếu tố chính của thị trường nên nhà quản trị sẽ có cái nhìn tổng quan về bối cảnh và tình hình chung của môi trường xung quanh.
  • Tạo ra các chiến lược chính xác: Dựa vào mô hình Pestel, nhà quản trị có thể đưa ra những điều chỉnh kịp thời và đúng đắn để phù hợp với tình hình chung của thị trường.
  • Dự đoán tương lai: Nhà quản trị có thể dựa vào báo cáo mô hình Pestel để dự đoán xu hướng của thị trường trong tương lai ngắn hạn và dài hạn, từ đó hoạch định được chiến lược tổng thể đúng đắn.
  • Nâng cao tính cạnh tranh: Mô hình Pestel giúp doanh nghiệp hiểu rõ thị trường xung quanh, từ đó biết được những cơ hội và thách thức tiềm ẩn và có cơ sở để điều chỉnh các điểm mạnh, điểm yếu nội bộ để nâng cao tính cạnh tranh so với đối thủ.
Ưu nhược điểm của mô hình Pestel
Mô hình Pestel sở hữu nhiều ưu điểm giúp doanh nghiệp phát triển đúng hướng.

Nhược điểm 

Song song với những ưu điểm nổi bật, mô hình Pestel cũng tồn tại một vài hạn chế như sau:

  • Không đề ra giải pháp cụ thể: Mô hình Pestel chỉ trình bày thực trạng của thị trường nên các nhà quản trị phải phối hợp với nhiều nghiên cứu khác nhau mới có thể đưa ra được giải pháp phù hợp với doanh nghiệp.
  • Không sắp xếp thứ tự ưu tiên: Mô hình Pestel không phân biệt mức độ quan trọng giữa các yếu tố. Các nhà quản trị cần căn cứ theo tình hình nội bộ của doanh nghiệp để đánh giá thứ tự ưu tiên để giải quyết từng yếu tố.
  • Dễ bị ảnh hưởng bởi quan điểm chủ quan: Mô hình Pestel chỉ tổng hợp các thông tin quan trọng của thị trường nên những phân tích sau đó của các nhà quản trị có thể bị chủ quan do kiến thức, chuyên môn, quan điểm của từng người.
  • Cần cập nhật liên tục: Các yếu tố về thị trường luôn thay đổi liên tục nên nhà quản trị cần lưu ý cập nhật các thông tin mới thường xuyên để đảm bảo mô hình Pestel luôn hiệu quả.
Ưu nhược điểm của mô hình Pestel
Các nhà quản trị cần phối hợp với nhiều kỹ năng nghiên cứu khác để tận dụng được toàn bộ lợi ích của mô hình Pestel.

Lợi ích của mô hình Pestel với doanh nghiệp

Mô hình Pestel mang đến cho doanh nghiệp nhiều lợi ích thiết thực trong quá trình hoạt động và phát triển, cụ thể:

  • Lập kế hoạch chiến lược: Mô hình Pestel cung cấp cho doanh nghiệp cái nhìn tổng thể về thị trường, từ đó đảm bảo các chiến lược kinh doanh phù hợp với tiêu chuẩn vĩ mô và đặc điểm của từng doanh nghiệp.
  • Đánh giá rủi ro và cơ hội: Mô hình Pestel giúp doanh nghiệp định vị, dự đoán được những cơ hội và rủi ro mới khi thị trường có biến động, từ đó có những phương án tận dụng thời cơ hoặc phòng tránh những trường hợp khủng hoảng, bất ngờ đến từ thị trường.
  • Quản trị doanh nghiệp phát triển bền vững: Mô hình Pestel giúp doanh nghiệp nhận biết các biến động thị trường nói chung và phán đoán được các ảnh hưởng tích cực, tiêu cực đến các chức năng của doanh nghiệp để có kế hoạch quản trị phù hợp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với thời cuộc.
Lưu ý: Trong quá trình thực hiện phân tích Pestel nhưng không đưa ra kết quả như mong muốn hãy kiểm tra thực hiện lại các thao tác: Đối chiếu lại thông tin thu thập, xem xét mối tương quan và phân tích lại các yếu tố, xem xét lại các giả định, tìm kiếm thêm nguồn thông tin khác, tham khảo ý kiến từ các chuyên gia để có kết quả phân tích Pestel phù hợp hơn.
Lợi ích của mô hình Pestel với doanh nghiệp
Mô hình Pestel giúp các nhà quản trị khái quát tổng quan về thị trường, từ đó đưa ra những chiến lược có ích cho doanh nghiệp.

Như vậy, bài viết trên đã tổng hợp toàn bộ thông tin liên quan đến mô hình Pestel – một công cụ giúp doanh nghiệp tìm hiểu về môi trường xung quanh có tác động đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp của bạn đang cần tìm kiếm những nhân tài về phân tích thị trường, hãy đăng tin tuyển dụng tại Tuyendung.topcv.vn – nền tảng tuyển dụng trực tuyến hàng đầu Việt Nam với hơn 7.6 triệu ứng viên tham gia.

Không chỉ là một thị trường tuyển dụng rộng lớn mà TopCV còn cung cấp những tính năng, tiện ích khác phục vụ tối ưu hiệu quả các chiến dịch tuyển dụng của doanh nghiệp như gợi ý quy trình tuyển dụng, báo cáo thống kê hiệu quả tuyển dụng, gợi ý ứng viên tiềm năng theo từng lĩnh vực,… Mọi thông tin cần được hỗ trợ và tư vấn chi tiết, bạn vui lòng liên hệ qua Hotline (024) 7107 9799 hoặc Email: cskh@topcv.vn để được tư vấn và khắc phục các vấn đề trong quá trình tuyển dụng ngay hôm nay. Chúc bạn thành công!